Làng thêu Thanh Hà

Xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, Hà Nam từ lâu đã được biết đến với nghề thêu ren truyền thống. Trải qua hơn 100 năm, đến nay, làng nghề vẫn được lưu giữ bằng các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Nhờ sự lao động cần cù sáng tạo, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ của người dân, làng nghề thêu ren truyền thống Thanh Hà đang ngày càng phát triển. Tiêu biểu, năm 2022, nghề thêu ren Thanh Hà được nhà nước công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. 
 

Đối với mỗi người thợ ở làng thêu Thanh Hà, mỗi mũi thêu đều mang đến cho họ nguồn cảm hứng bất tận. Dưới đôi bàn tay khéo léo của những người thợ, từng bông hoa rực rỡ, sống động dần hiện lên, trang trí thêm cho tấm đệm, chiếc khăn tay thêm phần xinh xắn. Hay những cánh hoa xếp thành hàng dọc, hàng ngang, tạo nên những đường viền trang trí trang nhã trên ga trải giường, tấm rèm cửa, gợi ta nhớ lại những mẫu quần áo thêu hoa giản đơn những năm đầu thế kỷ XVIII. Tất cả làm nên một không gian thêu với muôn ngàn hoa khoe sắc, hấp dẫn bất cứ tâm hồn yêu cái đẹp, đam mê khám phá văn hóa truyền thống vùng miền.
 

Công cụ, thiết bị ở làng nghề thêu ren rất giản đơn. Lao động chủ yếu là thủ công. Toàn bộ làng nghề hiện có hơn 5.000 khung thêu, 30 hộ có thiết bị giặt là và in, ngoài ra còn có các dụng cụ khách như kim, kim móc, dao, kéo. Các công đoạn của nghề thêu ren gồm: chuẩn bị nguyên liệu, tạo mẫu, pha và in màu, thêu, giặt là, kiểm tra đóng gói,tiêu thụ. Các công đoạn trên hiện nay đều được thực hiện hoàn toàn bằng lao động thủ công. 

Đặc biệt, để công đoạn tạo mẫu đảo bảo chất lượng, chỉ một số hộ có kỹ thuật, vốn mới được đảm nhiệm, cũng như làm dịch vụ cho cả làng. Khâu kiểm tra đóng gói, tiêu thụ sản phẩm thuộc về các doanh nghiệp (đảm nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm của làng nghề). Người lao động chỉ thực hiện một công đoạn thêu. 
 

Nghề thêu ren có đặc điểm: nguyên liệu tiêu hao ít, nhưng lao động kết tinh trong sản phẩm nhiều vì thế giá trị sản phẩm lớn. Tuy nhiên, giá cả của sản phẩm thêu lại phụ thuộc vào hai yếu tố: nguyên liệu và kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm đó có được khách hàng ưa chuộng hay không. Hiện nay những mặt hàng đang được ưa chuộng là: ga trải giường, gối, khăn trải bàn…

Nhằm mục đích phát triển làng nghề, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã, đáp ứng tối đa yêu cầu khách hàng, người dân Thanh Hà cũng đã bắt đầu đầu tư cho việc tiếp thị, quảng cáo trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, làng thêu cũng mở cửa chào đón khách du lịch ghé thăm, tìm hiểu về làng nghề. 
 

Đến với làng thêu ren Thanh Hà, Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thêu tuyệt đẹp, tận mắt chứng kiến từng công đoạn làm ra một sản phẩm thêu hoàn chỉnh, hay còn có cơ hội trải nghiệm tự mình cầm kim, tạo nên những họa tiết trang trí mang dấu ấn của riêng mình. Đó chắc chắn là những kỷ niệm tuyệt vời dành cho Du khách trong chuyến hành trình về với Hà Nam lần này. 

Cách làng thêu ren Thanh Hà chưa đến 6km, khách sạn Tiến Lộc Palace Hotel là điểm dừng chân lý tưởng cho Du khách trong chuyến hành trình khám phá Hà Nam. Khách sạn cung cấp 208 căn hộ sang trọng, hiện đại, tiện nghi cùng nhiều tiện ích chất lượng đi kèm. Hứa hẹn mang đến cho bạn những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái nhất sau ngày dài vui chơi mệt mỏi. 

Làng thêu ren truyền thống Thanh Hà dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn Du khách. Nếu có dịp đến Hà Nam, bạn đừng bỏ qua cơ hội khám phá làng thêu ren Thanh Hà nhé!