Gìn giữ điệu hát dậm truyền thống
Hà Nam là mảnh đất hiền hòa, nơi còn nhiều nghệ nhân hết lòng với các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát dậm, chầu văn, xẩm, Trống quân, Lải lèn… Ngày nay, nhiều thế hệ, gia đình nghệ nhân đã tích cực gìn giữ, trao truyền kinh nghiệm, bồi đắp cho di sản văn hóa truyền thống của tỉnh nhà nói riêng, di sản văn hóa đất nước nói chung.
Nhắc đến hát dậm, chắc hẳn ai ai cũng nghĩ ngay tới một hình thức ca múa nhạc dân gian đã tồn tại gần 100 năm mà vẫn mang nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất Thi Sơn (Kim Bảng).
Kể về sự tích ra đời của hát Dậm, người dân Quyển Sơn ai cũng biết. Chuyện kể rằng: Vào năm Kỷ Dậu (1069) khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt giặc phương Nam, đoàn chiến thuyền đi theo sông Đáy, qua trại Canh Dịch (nay là thôn Quyển Sơn) thì gặp một trận gió lớn cho nên ông phải cho thuyền nép vào chân núi để tránh gió, trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm cuốn lá cờ đại lên đỉnh núi.
Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sĩ dừng lại cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Từ đó, ông đặt tên núi là Quyển Sơn và trại Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn.
Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đại quân thắng lớn. Trên đường trở về kinh đô, khi qua vùng núi cũ, nhớ lời cầu nguyện năm xưa, ông cho dừng quân, hạ trại bên rừng trúc, giết trâu mổ bò làm lễ tạ trời đất, mở hội mừng chiến thắng. Lý Thường Kiệt mời dân làng cùng tham dự cuộc vui với quân sĩ. Ông cho chọn những cô gái thanh tân trong làng để múa hát, chọn các trai tráng khỏe mạnh để tổ chức đua thuyền. Trò múa hát này có tên là hát Dậm, là lối hát thờ, ca ngợi chiến công đánh giặc giữ nước, ca ngợi cuộc sống thanh bình, hạnh phúc lứa đôi và sự an cư lạc nghiệp.
Để tưởng nhớ công ơn Lý Thường Kiệt, nhân dân đã tôn ông làm Thành hoàng làng, lập đền thờ ngay nơi ông mở hội mừng chiến thắng. Đấy chính là đền Trúc dưới chân núi Quyển Sơn. Hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân, dân làng lại tổ chức lễ hội từ 1 - 10 tháng 2 âm lịch có bày trò hát Dậm để tưởng nhớ người Anh hùng.
Ngay từ đầu tháng Giêng, khi công việc nhà nông đã vãn, dân làng mở cuộc tuyển chọn chừng vài ba chục cô gái thanh tân tuổi từ 13 - 17 tập trung ở nhà một cụ trùm trò để tập múa hát theo đúng bài bản của nghi lễ. Khi mọi công việc hoàn tất, các cụ chọn khoảng 16 - 20 cô múa hát hay nhất để đưa vào hát lễ tại đền Trúc là nơi thờ tướng quân Lý Thường Kiệt suốt 10 ngày đêm hội đền.
Hát Dậm gồm 38 làn điệu khác nhau. Mỗi điệu một bài, có bài nhiều lời ca, có bài chỉ có lời ca đơn giản về một sự vật, sự việc cụ thể, đơn giản, lại có bài lời hát lấy từ ca dao cổ. Khi diễn xướng cụ trùm - trong hát Dậm cụ trùm phải là cụ bà với quy định cụ không có chồng hoặc chồng đã mất, tính cách ôn hòa, phúc hậu, đức độ - mặc váy áo vàng hoặc đỏ đứng giữa trước bàn thờ thánh, quân là những cô gái thanh tân đứng xếp theo hai hàng dọc ở hai bên. Các cô gái mặc áo dài nâu 5 vạt hoặc áo dài màu xanh lá mạ, váy lĩnh, yếm đào, thắt lưng màu hoa lý, đầu chít khăn mỏ quạ duyên dáng.
Hát Dậm không có nhạc cụ kèm theo, cụ trùm cầm đôi sênh tre gõ nhịp lúc mau, lúc khoan tùy theo bài hát để điều khiển. Trong các bài hát Dậm có bài hát và múa thì dùng quạt giấy màu đỏ hoặc trắng làm động tác biểu hiện nội dung và trang trí, lúc không múa thì cài quạt vào thắt lưng. Để tránh nhầm lẫn và sai hội, cụ trùm thường cất giọng và làm động tác mẫu để các cô gái cứ thế làm theo.
Điều đáng nói, bà Răm là người đã mang điệu hát dậm đi quảng bá, biểu diễn ở 14 quốc gia trên thế giới. Những nơi bà đã được đặt chân đến là Đan Mạch, Na-uy, Anh, Bỉ, Đức và Mỹ…
Bà Phẩm chia sẻ: “Bây giờ, chị gái tôi không còn. Nhưng tôi cũng mong có điều kiện thuận lợi để đi biểu diễn ở nước ngoài, giúp quảng bá vẻ đẹp và văn hóa Việt Nam”. Cùng với chị, bà Phẩm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì có công gìn giữ hát dậm, tích cực truyền dạy cho hàng trăm em nhỏ ở quê hương, từ lớp này qua lớp khác. Hiện nay, sum vầy bên bà Phẩm là hơn 30 học sinh nữ, quây quần để được bà truyền dạy điệu hát, đến kỳ lễ, ngày hội thì đi phục vụ.