Khám phá chùa Bầu - Ngôi chùa lớn nhất thành phố Phủ Lý, Hà Nam

Chùa Bầu (tên chữ Thiên Bảo Tự) tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. 
 

Theo tài liệu cũ, chùa Bầu đã có trên 1000 năm tuổi nằm trong quần thể làng Bầu, vực Bầu và chợ Bầu ngày nay. Đây là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhiều thế hệ, của phật tử xã Châu Cầu (xưa) và thành phố Phủ Lý – Hà Nam (ngày nay). Trong tiếng Hán, chữ Bầu xuất phát từ chữ Biều, nghĩa là vùng đất nổi lên giữa mặt nước. Do xưa kia, nơi đây là một vùng mênh mang sông nước, ở giữa nổi lên một gò đất bên trên có ngôi chùa cổ. Từ đó, nhân dân trong vùng gọi chùa là chùa Bầu. 
 

Du khách khi đến với chùa Bầu sẽ thấy trước mặt chùa là một hồ nước sâu và rộng, hồ thông với sông Đáy tạo nên mỹ quan đẹp và tô điểm thêm sự tĩnh lặng cho chùa. Theo thuyết âm dương ngũ hành. Trước một ngôi chùa nào thường phải có một hồ nước vì theo truyền thuyết, chùa tượng trưng cho dương, hồ tượng trưng cho âm. Dương và âm tạo nên thế cân bằng hài hòa trong trời đất và theo thuyết phong thuỷ thì chốn chùa chiền là nơi tôn nghiêm, thành kính. Hồ nước trước chùa như muốn nhắc nhở con người ta đến nơi này cần phải rửa sạch tay chân cho hết bụi trần để thành tâm vào bái lễ. Như vậy nét văn hoá tâm linh nơi đây không khác xa so với những ngôi chùa khác.

Đặc biệt, chùa Bầu mới được trùng tu và tôn tạo lại trên của chùa Bầu cũ. Từ một ngôi chùa ba gian nhỏ, sau 3 năm tu sửa, chùa nay đã có diện tích trên 4000m2, nên đây còn được biết đến là ngôi chùa lớn nhất thành phố Phủ Lý. Cũng chính bởi lý do đó, chùa Bầu hiện nay mang lối kiến trúc cổ truyền của dân tộc kết hợp hài hòa cùng kiến trúc mới của thời đại và cũng là sự kết hợp giữa đạo pháp dân tộc và thời đại. 
 

Chùa Bầu có kiến trúc hao hao chùa Quán Sứ ở Hà Nội với tam quan 3 tầng mái, chạy xung quanh là hành lang dài và sâu, giữa các gian được nối với nhau bằng cầu đá tạo cảnh quan hài hòa và thanh tịnh. Chùa có ngôi tam bảo thờ Phật uy nghi được bài trí theo lối truyền thống. Bên cạnh thờ Phật, chùa còn có ban thờ Tứ Pháp trong tín ngưỡng dân gian Bắc Bộ.

Không chỉ có lối kiến trúc cổ truyền của dân tộc với kiến trúc mới của thời đại, chùa Bầu vẫn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ triều Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (1663) với 28 đạo sắc phong về Đức Pháp Vân Phật, đạo sắc phong cuối cùng vào năm thứ 9 vua Khải Định và là nơi lưu giữ một quả chuông lớn. Quả chuông này có kích thước 0,95m, đường kính 0,57m được đúc vào mùa xuân năm thứ 3 Hoàng triều Minh Mệnh (1822). Đồng thời, chùa cũng lưu giữ một tấm bia đá xanh cao 1,25, rộng 0,8m.
 

Cùng với các nhà thờ, chùa chiền trên địa bàn thành phố, chùa Bầu là một ngôi chùa có rất nhiều nét kiến trúc cũng như trang trí nội thất mang phong cách truyền thống và hiện đại. Điều đó càng chứng tỏ rằng, mặc dù các hạng mục kiến trúc ở Hà Nam không có khác biệt lớn về phong cách so với kiến trúc cùng loại ở các vùng dân cư khác, nhưng vẫn có thể nhận ra những nét rất riêng của chùa Bầu ở các công trình kiến trúc này. Trong đó phải kể đến chính là các kiến trúc này đều chiếm lĩnh những khoảng không gian rộng rãi, cảnh quan khoáng đãng và tọa lạc gần công viên Nguyễn Khuyến, chứ không chen chúc nhau trong những khoảng không gian chật hẹp ở các vùng đô thị.

Bên cạnh chùa Bầu, tại Hà Nam còn rất nhiều ngôi chùa cổ, linh thiêng và các danh lam thắng cảnh đẹp khác chờ các du khách thập phương về tham quan, khám phá. 

Đến Hà Nam du lịch, bạn phân vân chưa biết lựa chọn địa điểm lưu trú nào, hãy liên hệ Tiến Lộc Palace Hotel. Khách sạn nằm ngay trung tâm thành phố Phủ Lý, trên tuyến Quốc lộ 1A nên dễ dàng di chuyển đến các địa điểm du lịch nổi tiếng. Đồng thời, khách sạn cung cấp hơn 200 phòng nghỉ đạt chuẩn 3 sao cùng dịch vụ chất lượng chắc chắn sẽ mang đến cho bạn và người thân yêu những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn tuyệt vời nhất. 

Liên hệ khách sạn qua hotline 02263 82 5555 để được tư vấn và hỗ trợ tận tình nhất!