3 lễ hội nổi tiếng và lâu đời nhất tại Hà Nam
Trên vùng đất Hà Nam, nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa lâu đời và đặc trưng của địa phương này. Trải qua hàng thế kỷ, những lễ hội này không chỉ là nơi để người dân thể hiện lòng kính trọng với tổ tiên mà còn là dịp để kết nối cộng đồng, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nổi tiếng và lâu đời nhất tại Hà Nam là ba lễ hội đền Lảnh Giang, hội vật võ Liễu Đôi và Lễ hội đền Trần Thương đã thu hút sự quan tâm của du khách từ khắp nơi. Hãy cùng tìm hiểu về ba lễ hội này để hiểu rõ hơn về sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân gian ở vùng đất này.
Đầu tiên là, lễ hội đền Lảnh Giang mang trên mình những giá trị lâu đời về lịch sử - văn hóa cùng vẻ đẹp nổi bật của kiến trúc nghệ thuật, năm 1996, Bộ Văn hóa Thông tin xếp đền Lảnh Giang là Di tích cấp quốc gia, lễ hội được tổ chức hai kỳ mỗi năm. Lễ hội thường diễn ra vào tháng sáu hoặc tháng Tám do đây là thời điểm sông Hồng đe dọa bằng những cơn ngập lụt, mất mùa. Lễ nhằm tôn vinh Tam vị Đại vương và cầu thủy thần giúp người dân tránh nguy cơ ngập lụt, mất mùa. Từ năm 2007, lễ hội kết hợp truyền thống và hiện đại, nhằm bảo tồn giá trị văn hóa và tổ chức các trò chơi dân gian. Lễ hội được tổ chức làm hai phần; phần lễ bao gồm: lễ cáo yết, lễ rước nước từ sông Hồng vào đền theo tục thờ thủy thần, lễ rước kiệu và khai mạc lễ hội; phần hội bao gồm: các trò chơi dân gian như bắt vịt, đánh gậy, đi cầu khỉ,... Việc thực hiện các nghi lễ đúng truyền thống được giao cho các vị cao niên trong cộng đồng để đảm bảo lễ hội diễn ra đúng với các nghi lễ truyền thống và trang nghiêm. Đến nay, đền Lảnh Giang là trung tâm thực hành tín ngưỡng Nghi lễ Chầu văn của tỉnh Hà Nam, với sự quan tâm và đào tạo từ chính quyền và các nhà nghiên cứu văn hóa. Lễ hội là biểu tượng văn hóa của người Việt, mang đầy đủ giá trị lịch sử và thần thoại, đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của cộng đồng mỗi năm.
Thứ hai, Lễ hội Vật Liễu Đôi là một biểu tượng văn hóa của tỉnh Hà Nam. Hằng năm, vào ngày 05 tháng giêng âm lịch, tại làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam diễn ra lễ hội vật để tưởng nhớ công lao của một chàng trai dũng cảm trong họ Đoàn, người đã có công lớn trong việc đánh bại kẻ thù và bảo vệ đất nước. Cộng đồng tham gia lễ hội bao gồm dân làng Liễu Đôi và các làng khác có truyền thống về võ thuật. Phụ nữ cũng được phép tham gia và thể hiện kỹ năng vật võ không kém phần nam giới. Quy trình tổ chức lễ bắt đầu bằng Lễ rước Thánh vào dóng (dóng là địa điểm tổ chức vật) nghĩa là kiệu Thánh Ông được rước từ đền vào nơi tổ chức vật. Lễ vật dâng thánh là lễ chay như mấy phẩm oản, vài bẹ chuối, một nậm trà. Một cụ già tay cầm gươm dẫn đầu cuộc rước và sau khi kiệu Thánh vào dóng, lễ tế được tiến hành. Tiếp theo là Lễ phát hoả để tưởng nhớ ngọn lửa thần diệu từ thanh gươm phát ra, sau đó là Lễ trao gươm và thắt khăn đào để nhớ việc chàng trai họ Đoàn nhận thanh gươm thần và tấm khăn đào. Sau các nghi thức trên, Lễ múa cờ tụ nghĩa, còn được gọi là "Thiên nhân kỳ trận", được thực hiện bởi hai hoặc bốn người tham gia, mỗi người cầm một lá cờ đỏ hình vuông, tiến từ hai bên kiệu thánh ra giữa dóng múa theo tiếng trống. Tiếp theo là Lễ thanh động, bắt đầu bằng tiếng trống cái ở dóng và các âm thanh khác từ khu vực vật võ và các đền chùa trong vùng, hưởng ứng tiếng reo hò cổ vũ sôi nổi. Cuối cùng, sau các nghi thức trên, cuộc vật võ bắt đầu. Đô vật chỉ được đóng khố và cởi trần trong dóng. Các màn thi đấu vật võ truyền thống như xốc nách, vạch sườn, miếng gồng, miếng bò mang lại sự hồi hộp cho khán giả. Các hành động không đạo đức như móc hàm, bóp hạ bộ đều bị cấm và bị phạt nặng nếu vi phạm. Lễ hội vật Liễu Đôi thể hiện tinh thần thượng võ và đoàn kết của nhân dân Việt Nam, góp phần làm phong phú văn hoá dân tộc.
Cuối cùng, Trần Thương là một vùng đất phồn thịnh, nằm ở điểm giao của "Lục đầu khê" và có đặc điểm "Hình nhân bái Tướng", tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thủy. Trong cuộc chiến chống lại quân Mông - Nguyên lần thứ 2 vào năm 1285, Trần Hưng Đạo đã chọn khu vực này làm nơi cất giữ lương thực và vũ khí cho quân đội. Chiến thắng vang dội của ông đã khiến Trần Thương trở thành nơi ông quay về để phát triển kinh tế và miễn thuế cho người dân. Sau khi ông qua đời, dân địa phương đã xây dựng đền thờ để tôn vinh ông là Đức Thánh Trần. Hằng năm, từ ngày 18 đến 20/8 âm lịch, Ban Quản lý đền tổ chức lễ hội để tri ân công đức của Đức Thánh Trần và ghi nhận tinh thần tôn vinh nguồn gốc. Lễ hội này cũng đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng và du khách. Lễ hội đền Trần Thương bao gồm các phần lễ và hội. Phần lễ bao gồm các nghi lễ như rước kiệu, dâng hương và lễ "diễn xướng Thanh Đồng" để tôn vinh Đức Thánh Trần và cầu cho thời tiết mùa vụ tốt lành. Phần hội có nhiều trò chơi truyền thống và các hoạt động văn hóa, trong đó có thi đấu cờ tướng để tái hiện tài năng chiến lược của Trần Hưng Đạo. Ngoài lễ hội hàng năm, vào giờ Tý ngày 15 tháng Giêng, Ban Quản lý đền còn tổ chức Lễ phát lương để phát lộc cho người dân và du khách, đồng thời kỷ niệm và truyền bá truyền thống lịch sử của dân tộc.
Nhìn chung, ba lễ hội cổ truyền ở Hà Nam không chỉ là biểu tượng của văn hóa địa phương mà còn là những điểm sáng trong di sản văn hóa của đất nước. Thấu hiểu giá trị sâu sắc và đa dạng của những nghi lễ và truyền thống tại đây, chúng ta nhận thấy sự quý báu của sự đa dạng văn hóa của Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển những lễ hội này không chỉ là trách nhiệm của người dân địa phương mà còn là của cả cộng đồng và xã hội. Qua việc tôn vinh và gìn giữ những nét đặc trưng này, chúng ta cũng đang góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa dân tộc của quốc gia.