Khám phá kiến trúc Đền Trần Thương, điểm đến Lễ hội truyền thống tại Hà Nam

Hà Nam, một tỉnh thuộc vùng Đồng Bằng Sông Hồng, không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp tự nhiên hùng vĩ mà còn là địa điểm lưu giữ nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Trong số những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng tại Hà Nam, Đền Trần đặc biệt thu hút du khách bởi không chỉ là nơi linh thiêng, mà còn là điểm đến của nhiều lễ hội truyền thống.
 
 
Đền Trần Thương (hay Đền Trần, Đền thờ Đức Thánh Trần) nằm bên bờ sông Hồng, tọa lạc tại thôn Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nơi đây từ lâu đã được coi là niềm tự hào của người dân vùng này, là nơi thờ Trần Hưng Đạo. Đền được dựng lên ngay trên phần đất khi xưa ông dùng làm kho lương phục vụ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần 2. Giếng Ngọc ở trong đền chính là nơi táng xương cốt của Trần Hưng Đạo khi ông qua đời. Đền Trần thu hút bởi đặc điểm kiến trúc mang đậm nét truyền thống xưa, với các công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc độc đáo của người Việt xưa. Khám phá Đền Trần, du khách sẽ bắt gặp những bức tranh tượng phản ánh đời sống, lịch sử và văn hóa dân tộc, giúp họ hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam. Mỗi năm, hàng nghìn lượt khách du lịch đổ về Đền Trần Thương không chỉ để tận hưởng không khí linh thiêng, mà còn bị thu hút bởi lịch sử huyền bí nơi đây.
 

Đền Trần Thương ban đầu tên là Làng Miễu, được mô tả như một thiếu nữ nằm phơi mình trên bãi sông, có thế đất “hình nhân bái phượng”, là điểm giao của “Lục đầu khê” – trung tâm hội tụ của 6 con sống nhỏ có lợi thế về lương thực và thuận lợi cho giao thông đường thủy. Với tầm nhìn chiến lược của Trần Hưng Đạo, điểm giao thoa này được chọn làm khu vực để cất giữ lương thảo, khí giới phục vụ quân đội trong cuộc chiến chống giặc Nguyên – Mông lần thứ 2 năm Ất Dậu 1285. Sau chiến thắng vẻ vang, Trần Hưng Đạo trở về khu vực kho lương thực phát lương khao quân dân như một cách thể hiện lòng biết ơn đến mọi người đã không ngại khó khăn mà sát cánh cùng triều đình. Bên cạnh đó, ông còn cắm sinh phần và miễn tô thuế cho dân. Do đó khi ông mất, người dân địa phương đã dựng đền thờ cho ông tại chính vị trí kho lương này và tôn ông làm Đức Thánh Trần.  Kể từ đó cái tên Làng Miễu ban đầu cũng được đổi tên thành Trần Thương – có nghĩa là kho lương của nhà Trần.

Vẻ đẹp kiến trúc đền Trần Thương.cũng chính là điểm nhấn đối với khách du lịch, nó đi liền với lịch sử tái hiện lại bức tranh cho thế hệ ngày nay. Đền Trần Thương được xây dựng trên khu đất rộng, nằm xu hướng quay về hướng Nam, bao bọc xung quanh là hệ thống gạch đặc trát vữa kết hợp với các đoạn kênh, ao hồ. Vẻ đẹp của đền Trần Thương được diễn tả qua nhiều không gian khác nhau. Kiến trúc của Đền Thương được thiết kế theo thứ tự: Nghi môn ngoại – Đường chính đạo – Nghi môn nội – Sân và bình phong – Đền chính – Nhà mẫu – Giếng nước
 

Đầu tiên là Nghi môn ngoại có 3 tầng mái, hai bên là cột trụ tiêu biểu và 3 cổng ra vào với cổng giữa là lối đi chính dẫn vào đền. Kết cấu của nghi môn ngoại được sử dụng bằng gạch trát vữa, trên mỗi viên gạch được trát lên tường đều được trang trí con giống, hoa văn, gờ chỉ đẹp. Tiếp đến là đường chính đạo với chiều dài 50m, rộng 5m, hai bên đường là hai hàng cây xanh tạo cảm giác thân thiện với thiên nhiên. Sau đó là nghi môn nội được xây kiểu trụ biểu có tiết diện vuông bằng gạch trát vữa, soi chỉ trang trí. Trên mỗi trụ được thiết kế bằng một con lân chầu hướng vào trong. Đi qua Nghi môn nội là khoảng dân đền rộng khoảng 600m2 được lát bằng gạch đỏ. Đến với đền chính gồm Cổ lâu, Tiền tế, Tả hữu vu, Hồ khẩu, Trung điện, Hậu cung với tổng thể kích thước 16,8m x 24,18m. Cổ lâu nằm ở trước gian giữa của Tiền tế, Tiền tế có 5 gian 2 chái, giếng Hồ khẩu nối liền không gian với Tiền tế. Hai nhà Tả/Hữu vu nối với hai gian đầu hồi của Tiền Tế, đối xứng hai bên giếng Hồ khẩu. Trung điện ở vị trí phía sau giếng Hồ khẩu. Hậu cung là công trình nằm sau cùng nối liền với Trung điện. Phía sau của Đền chính là Nhà mẫu có mặt bằng hình chữ “đinh”. Đền có tổng cộng 4 giếng nước, thành giếng được xây bằng đá hộc, có bậc lên xuống xây bằng gạch. 
 

Khách du lịch còn đến với đền Trần để hòa mình vào các lễ hội tại nơi đây. Lễ hội đền Trần Thương là một trong những lễ hội văn hóa lớn nhất tại Việt Nam,  lễ hội mang nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc. Có hai lễ hội lớn và nổi tiếng tại đền chính là lễ hội phát lương vào rạng sáng ngày Rằm tháng Giêng và lễ hội truyền thống vào tháng 8 âm hằng năm. Đặc biệt, Lễ phát lương đền Trần được tổ chức vào giờ Tý như một cách tái hiện lại cảnh khao quân của quân đội nhà Trần thời xa xưa. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, đặc sắc và độc đáo như “Phong đăng, hòa cốc”, “Quốc thái dân an”, “Diễn xướng Thanh đồng” – mọi nghi thức trên mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, ngoài ra còn gợi nhớ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” vì vốn nguồn gốc nhà Trần vốn quen nghề sông nước. Lễ hội phát lương đền Trần diễn ra theo 3 quá trình: đầu tiên là lễ rước lương thảo từ kho lương vào đền làm lễ, sau đó là lễ châm đuốc và dâng hương của đại biểu và cuối cùng là rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ. Những túi lương tượng trưng sẽ gồm 5 loại hạt đỗ đỏ, đỗ xanh, hạt đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng và ấn phù của đền. Những túi lương đó đến với tay khách du lịch giúp họ cầu bình an, hạnh phúc và ấm no dịp năm mới.
 

Hà Nam là một trong những lựa chọn hấp dẫn để mọi người có thể lựa chọn là địa điểm du xuân. Bạn không chỉ được trải nghiệm nét đẹp của kiến trúc lịch sử mà còn hòa mình vào văn hóa truyền thống nơi đây. Để thuận tiện cho việc di chuyển cũng như trải nghiệm của bạn thì khách sạn Tiến Lộc Palace sẽ là địa điểm giúp bạn nghỉ ngơi cũng như trải nghiệm chuyến đi tốt nhất. Với vị trí ở ngay trung tâm thành phố Phú Lý, bạn hoàn toàn có thể di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau một cách dễ dàng. Ngoài ra, Tiến Lộc Palace là khách sạn được đánh giá 3 sao với đầy đủ tiện ích phục vụ quý khách chu đáo nhất.