Những điểm nhấn trong hành trình du lịch Hà Nam
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km về phía Nam, Hà Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, Hà Nam còn nổi tiếng với nhiều ngôi đền, chùa linh thiêng; những làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời cùng những giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc. Do vậy, Hà Nam đang dần trở thành điểm sáng du lịch trên bản đồ du lịch Việt, thu hút hàng ngàn Du khách tới tham quan, khám phá hàng năm.
Bên cạnh những lợi thế về vị trí, giao thông thuận lợi khi nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam, hội tụ đủ đường bộ, đường sắt, đường thủy thì Hà Nam còn sở hữu tài nguyên du lịch thiên nhiên khá phong phú, đa dạng và đặc thù. Hệ thống sông ngòi dày đặc gồm sông Hồng, sông Đáy, sông Châu - núi Đọi, … cùng hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng là những nét độc đáo riêng của mảnh đất này. Cũng bởi địa hình Hà Nam đa dạng đã góp phần tạo nên những cảnh quan đặc sắc với thắng cảnh nổi tiếng như Hồ Tam Chúc, Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn, hang Luồn, hang Dơi, Bát Cảnh Sơn, … Trong đó nổi bật là khu du lịch Tam Chúc, hay còn được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” tại Hà Nam. Nơi đây xác định trở thành “đòn bẩy” giúp tăng trưởng du lịch tỉnh nên rất được đầu tư xây dựng, mang dáng dấp của một kiệt tác về kiến trúc Phật giáo tại Việt Nam. Quần thể chùa Tam Chúc là đại diện cho sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, giữa nền văn hóa phương Ðông và phương Tây dựa trên nền tảng Phật giáo. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hà Nam là xây dựng, phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc theo hướng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường. Vì vậy, toàn bộ diện tích thiên nhiên tại đây được bảo tồn, trong đó có rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, khu núi đá, đàn voọc mông trắng… Năm 2013, quần thể chùa Tam Chúc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Đồng thời, chùa Tam Chúc cùng chùa Hương (Hà Nội) và chùa Bái Đính (Ninh Bình) tạo thành “tam giác vàng” du lịch, góp phần kết nối di sản văn hóa tâm linh.
Bên cạnh khu du lịch Tam Chúc, Địa Tạng Phi Lai Tự cũng đang dần trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn tại Hà Nam. Ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi này góp phần đưa vị thế du lịch tỉnh nhà đi lên nhờ vẻ đẹp yên bình, thanh tịnh chẳng đâu sánh bằng. Đồng thời, nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử từ triều đại Lý - Trần như các mẫu gạch, ngói có hoa văn hình hoa sen, hình rồng, hình thần chim Garuda, hình công phượng… vô cùng giá trị.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác nữa trong bức tranh du lịch Hà Nam chính là những tài nguyên du lịch về nhân văn. Tại Hà Nam, tuy có không nhiều các di tích lịch sử nhưng đều có giá trị nổi bật như đền Trần Thương, đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn, đền Trúc, … cùng hệ thống lễ hội đặc sắc như lễ hội Tịch Điền, lễ hội đền Trần Thương, lễ hội vật võ Liễu Đôi, … Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ với các Du khách như dệt lụa Nha Xá, rượu làng Vọc, tre đan Ngọc Động, thêu ren Thanh Hà, cá kho làng Vũ Đại, bánh đa nem làng Chều, …
Ngoài ra, Hà Nam cũng sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá như: Trống đồng Ngọc Lũ, cuốn sách đồng Bắc Lý, tấm bia “Sùng Thiện Diên Linh”, tấm bia “Đại Trị”, ...
Những di sản văn hóa vật thể kết hợp với di sản văn hóa phi vật thể phong phú khác đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói” tại Hà Nam.
Đặc biệt, Hà Nam còn được biết đến là vùng đất khoa bảng với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn Nam Cao, … Do vậy, những địa điểm du lịch như nhà Bá Kiến, khu tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao, Từ đường Nguyễn Khuyến, chùa Bà Đanh, Kẽm Trống, … là những điểm đến không thể bỏ lỡ của những người yêu thơ ca, văn học.
Đặt mục tiêu phát triển hơn nữa ngành du lịch tại tỉnh nhà, ban lãnh đạo tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Cụ thể, thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có năng lực - uy tín - thương hiệu; phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư trong phát triển thương mại - dịch vụ, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Đầu tư hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng quá du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các công cụ quảng bá trực tuyến. Hay kết hợp với các khu du lịch trọng điểm trên cả nước nhằm khai thác và tổ chức các tour du lịch mới, hấp dẫn.
Song song với đó, Hà Nam cũng quan tâm tới việc đầu tư xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp, các hoạt động văn hoá - văn nghệ - ẩm thực đường phố đặc sắc, … Có thể nói, với những thế mạnh sẵn có cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh, Hà Nam hứa hẹn sẽ trở thành một ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam trong tương lai gần.