Hòa mình vào không khí du xuân tại Bát Cảnh Sơn Hà Nam

Chào đón bước chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, không gian tĩnh lặng của Hà Nam trở nên sôi động, huyền bí và quyến rũ với những đám mây trắng bồng bềnh cùng không khí dễ chịu của mùa xuân. Hà Nam không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ mà còn là nơi bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam, hiện diện rõ nét tại những địa điểm nổi tiếng. Những địa điểm nổi tiếng nơi đây là những danh lam thắng cảnh, là những góc khuất ẩn sau đó là những câu chuyện, nét văn hóa độc đáo đem đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời. Hãy cùng mở cửa sổ tâm hồn để hòa mình vào không khí du xuân tại những điểm đến đặc sắc tại Hà Nam.
 

Chúng ta hãy cùng bước chân chạm đến Bát Cảnh Sơn, quần thể di tích thắng cảnh nằm ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Xã Tượng Lĩnh được thiên nhiên ưu ái ban tặng địa hình độc đáo, đầy tiềm năng phát triển. Chính vì thế dãy Bát Cảnh Sơn được tạo ra như một tuyệt tác của tạo hóa, kỳ vỹ đứng bên bờ sông Đáy, ngả lưng vào vòng cung Nam Công, tạo nên thế núi sông độc đáo và hấp dẫn. Không chỉ là di tích thắng cảnh, Bát Cảnh Sơn còn là một cụm du lịch của quần thể Hương Sơn bởi chúng có sự tiếp giáp gần gũi với nhau. Theo vị trí địa lý, Bát Cảnh Sơn là cánh cổng mở ra thế giới Hương Sơn, nằm tại sự giao cắt giữa ba huyện Kim Bảng (Hà Nam), Mỹ Đức, Ứng Hòa (Hà Nội).

Trong Bát Cảnh Sơn bao gồm nhiều địa điểm khác nhau để du khách có thể tham quan. Đầu tiên là Đền Tiên Ông (đền Ông), là một kiệt tác kiến trúc tâm linh được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông, hiên ngang trên đỉnh núi Tượng Lĩnh với độ cao khoảng 200m, tạo hình giống con vui quỳ đang phủ phục. Đền Tiên Ông có kiến trúc độc đáo với hình chữ tam, bao gồm tiền đường với 5 gian, trung đường với 3 gian và hậu cung với 1 gian. Điều đặc biệt là nơi này vẫn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, từ hoành phi, đại tự, câu đối đến bát hương bằng đá và đồng. Đền Tiên Ông là nơi thờ Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát và là nơi lưu truyền một câu chuyện huyền bí. Theo truyền thuyết kể rằng, cha của Tiên Ông, một quan nhà Trần, sau 23 thê thiếp mà vẫn không có con trai. Đến khi đi kinh lý tại xã Thịnh Đại (nay là xã Đại Cương), lấy đến thê thiếp 24 mới sinh ra Tiên Ông. Khi sinh ra Tiên Ông đã mang tướng mạo khác thường, cho đến khi lớn lên chỉ một lòng một dạ thờ Phật. Ngài du hành khắp mọi nơi để học đạo và dừng chân tại Quang Thừa (nay là xã Tượng Lĩnh) do dãy Bát Cảnh Sơn nơi đây quá đẹp và hùng vĩ. Ngài lập tức lập một ngôi chùa dưới chân núi Tam Giáo để thờ Phật, tổ tiên và cha mẹ gọi là chùa Tam Giáo. Đối với người dân địa phương, Ngài như một vị thần linh. Ngài cứu giúp người nghèo khó, chữa bệnh, cứu người,...Khi mất, Ngài hóa thân vào cây “Đại Nại” và căn dặn hãy lấy gỗ đó để tạc tượng thờ, còn lấy đồng tạc tượng thờ thần. Do đó, các pho tượng rất linh thiêng, dù trải qua chiến tranh hay chuyện gì thì cũng không có ai đụng tới được. Như khi Nguyễn Hữu Chỉnh mang tượng đi đúc tiền nhưng không chạm được vào tượng. Đối với du khách và cư dân địa phương, ngày rằm tháng 6 hàng năm là dịp để hai làng Thịnh Đại và Quang Thừa tổ chức lễ hội tôn vinh Tiên Ông, thu hút đông đảo khách thập phương về tham dự trong không khí trang nghiêm và long trọng.
 

Sau đó là Chùa Ông, ngay trước cổng đền Tiền Ông là một hồ nước lớn hình bán nguyệt bao quanh phía bắc của núi Tượng Lĩnh. Diện tích của hồ lên đến 320 mẫu, nước trong hồ duy trì suốt cả năm, với độ sâu trung bình dao động từ 4 đến 5m. Theo truyền thuyết, ngày xưa giữa lòng hồ tồn tại một ngôi chùa được biết đến với tên gọi là Chùa Ông. Tuy nhiên, năm 1901, do tác động của lũ lụt, ngôi chùa xưa kia đã bị cuốn trôi đi và tan biến vào dòng nước. Ngày nay, hồ nước này là nơi trú ngụ của nhiều loại cá lớn, tạo ra một môi trường sinh thái độc đáo. Diện tích mặt nước rộng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạt động du thuyền và câu cá, mang đến những trải nghiệm giải trí và thư giãn cho du khách đến thăm.

Từ đền Tiên Ông, đi dọc theo sườn núi khoảng 1km bạn sẽ thấy đền chùa Tam Giáo. Chùa Tam Giáo trước kia sở hữu hàng trăm gian chùa và hàng trăm pho tượng Phật vô cùng uy nghi tráng lệ. Bên cạnh đó, việc xây dựng được thực hiện bởi rất đông thợ làm và đặt dưới chân núi , tại đây có dòng suối nước chảy ra từ lòng núi. Dòng suối này mỗi ngày chảy ra hai bát gạo và hai đồng tiền, tuy không nhiều nhưng đủ để nhà sư sinh sống. Sau đó có kẻ tham biết chuyện nên đã đục rộng miệng suối, từ đó nguồn lợi này đã mất đi, không còn chảy ra gạo và tiền nữa. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Tam Giáo trở thành căn cứ hoạt động quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Trung Ương và tỉnh. Ngày xưa từ đền Tiên Ông đến chùa Tam Giáo có rất nhiều hang động đẹp nhưng do sự khai thác của con người và sự biến động của thiên nhiên, nhiều hang đã bị phá hủy. Nhưng gần đây, chùa Tam Giáo đã được khôi phục, giữ lại vẻ đẹp độc đáo của mình. Kiến trúc của hình chữ đinh, với 5 gian đại tế và một hậu cung, đại tế được xây dựng với 8 mái chồng diêm, lợp ngói nam, tạo nên một bức tranh tâm linh trầm bổng và trang nghiêm.
 

Cuối cùng, Bát Cảnh Sơn còn bao gồm 6 ngôi chùa: Chùa Kiêu, Chùa Bà, Chùa Dâu, Chùa Cả, Chùa Bông, Chùa Vân Mộng. Tất cả các ngôi chùa đều tạo nên một quần thể linh thiêng nhưng đáng tiếc là đến ngày nay, 6 ngôi chùa đều đã biến mất, một số đã bị san bằng và có ngôi chỉ còn lại nền móng.
Bát Cảnh Sơn nổi tiếng không chỉ vì danh thắng tuyệt vời mà còn vì những nhân tài xuất chúng. Trong số 5 nhà khoa bảng ở huyện Kim Bảng, có tới 3 người xuất thân từ Tượng Lĩnh. Nơi đây còn được biết đến là nơi xuất phát truyện trầu cau, với suối Cau trong dãy núi đá vôi (nay được biết đến là suối Tân Lang) và chợ trầu (nay là chợ Dầu).

Với cảnh quan nghiêng nước nghiêng thành nơi đây, với những nét văn hóa truyền thống còn đọng lại nếu được phát huy đúng hướng sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái Kim Bảng, Hà Nam. Để tham quan trọn vẹn khung cảnh cũng như hòa mình vào không khí lễ hội nơi đây bạn nên chọn một địa điểm nghỉ ngơi và phù hợp cho mọi hoạt động của bạn. Khách sạn Tiến Lộc Palace sẽ là địa điểm giúp bạn nghỉ ngơi cũng như trải nghiệm chuyến đi tốt nhất. Với vị trí ở ngay trung tâm thành phố Phú Lý, bạn hoàn toàn có thể di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau một cách dễ dàng. Ngoài ra, Tiến Lộc Palace là khách sạn được đánh giá 3 sao với đầy đủ tiện ích phục vụ quý khách chu đáo nhất. hãy chọn Tiến Lộc Palace để có được chuyến đi trọn vẹn nhất.