Mắm cáy Bình Lục
Hà Nam không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, những ngôi đền, chùa linh thiêng mà còn nổi tiếng bởi một loại mắm đặc biệt, có vị hăng hăng, cay cay, thơm thơm. Đó chính là mắm cáy.
“Ăn thịt bò lo ngay ngáy
Ăn mắm cáy ngáy o o”
Ăn mắm cáy ngáy o o”
Hai câu thơ trên chắc chắn không còn quá xa lạ đối với mỗi người con Hà Ham. Đối với họ, dù có xa quê, thưởng thức vô vàn những món ngon nhưng họ vẫn không thể nào quên hương vị thân thuộc, hương vị phù sa sông, mùi hăng hăng đặc trưng của mắm cáy quê nhà, ăn một lần là nhớ mãi. Có thể nói, mắm cáy chính là niềm tự hào của mỗi người con Hà Nam.
Theo người dân Hà Nam, sau trận mưa đầu tiên của mùa hè là lúc cáy bò ra khỏi hang. Tức khoảng tháng 4, tháng 5 là bắt đầu mùa cáy. Tuy nhiên, những con cáy mùa này thường gầy, ít thịt và sau một khoảng thời gian được gọi là “ngủ đông” thì chúng mới chui ra khỏi hang để kiếm ăn. Đến mùa đổ ải tháng 10 thì cáy con nào cũng đỏ au, càng to và rất mẩy. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, cáy có nhiều ở các vùng nước lợ như Thanh Liêm, Bình Lục, Kim Bảng, … nhưng nghề làm mắm cáy lại phát triển nhất ở huyện Bình Lục. Chú Nguyễn Văn Thành, người có thâm niên chế biến mắm cáy hơn chục năm nay ở xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục tâm sự: “làm mắm cáy đơn giản nhưng muốn mắm có hương vị đậm đà, thơm ngon thì cũng phải làm công phu lắm”.
Quả thật, để làm nên loại mắm cáy mang hương vị thơm ngon đặc biệt phải trải qua rất nhiều công đoạn, vô cùng kỳ công. Đầu tiên là công đoạn chọn chọn cáy. Người làm mắm cáy phải lựa chọn những con cáy tươi ngon nhất. Cáy sau khi bắt từ đồng về, được rửa sạch rồi đem giã nhuyễn trong cối đá. Trong quá trình nêm giã sẽ nêm muối tinh đủ độ mặn, cho tất cả vào một hũ sành cùng với riềng hoặc gừng đập dập. Sau đó hòa đều với nước đun sôi để nguội.. Tiếp theo dồn vào hũ và lấy vải màn bịt chặt hũ lại, phơi nắng một ngày rồi đem chôn dưới đất. Đến khi có màu đục, gạch cáy nổi đều là được. Đặc biệt, để càng lâu mắm cáy càng có mùi vị thơm ngon, hấp dẫn. Mắm cáy khi thành phẩm sẽ có màu sắc rất bắt mắt. Mắm hội đủ mùi vị, có vị mằn mặn của muối, vị béo, bùi của riềng, vị ấm nóng của gừng, … Mắm cáy rất thích hợp dùng để chấm thịt luộc, rau luộc và xào nấu thức ăn, …
Thưởng thức mắm cáy, người ta thường ăn trực tiếp hoặc ăn cùng rau muống, tỏi nhánh. Đĩa rau muống luộc xanh nõn chấm cùng chén mắm cáy pha chút tỏi ớt chắc chắn sẽ khiến bạn thích thú. Thậm chí ăn đến cạn cả cháy nồi mà vẫn còn thòm thèm.
Hiện nay, nghề làm mắm cáy tại Hà Nam đang ngày càng phát triển, cả huyện có hơn 300 hộ làm mắm cáy. Nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng mà mắm cáy Bình Lục đã trở thành một sản phẩm độc đáo. Nhiều đoàn khách du lịch đi qua Hà Nam đều không quên ghé chân mua mắm cáy Bình Lục về làm quà.
Tuy nhiên, nếu như trước kia những cánh đồng thẳng cánh cò bay, cáy nhiều vô kể. Thì nay, từ ngày đắp đê ngăn nước lợ, ô nhiễm môi trường từ phân bón hóa học càng làm cáy trở lên hiếm hoi. Do đó, vấn đề bảo vệ môi trường nước lợ cần được chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, có các phương án, chính sách hợp lý, kịp thời nhằm bảo tồn và phát triển hơn nữa nghề làm mắm cáy tại địa phương.
Nếu có dịp về Hà Nam, bạn đừng quên ghé mua mắm cáy về làm quà cho bạn bè, người thân nhé!