Hà Nam trú trọng thúc đẩy công nghiệp phát triển tại tỉnh nhà

Những năm trở lại đây, Hà Nam luôn đạt tốc độ phát triển nhanh và liên tục. Trong đó, công nghiệp là ngành đóng góp tỷ trọng cao nhất. Định hướng đến năm 2030, Hà Nam trở thành một trong số các tỉnh dẫn dẫn dầu khu vực phía Bắc về phát triển công nghiệp. 

Với mục tiêu phát triển công nghiệp trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng, Ban lãnh đạo tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, nghị quyết nhằm đẩy mạnh công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. 
 

Để làm được điều đó, bên cạnh việc tận dụng các lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, Hà Nam đã tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối, nhất là hạ tầng giao thông. Các dự án giao thông trọng điểm có thể kể đến như: dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21, … Đồng thời củng cố, hoàn thiện nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp gồm điện, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, logistics, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. 
 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao. Cụ thể đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, tận dụng tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic. Nhờ đó mà tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có tổng cộng 8 khu công nghiệp được thành lập, 4 KCN đã có trong quy hoạch với diện tích 940 ha và dự kiến thành lập các KCN mới với tổng diện tích là 3.200 ha. Đặc biệt, với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương quan tâm sát sao, tăng cường nắm bắt tình hình nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 
 

Cùng với đó, Hà Nam tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất. Thời gian qua, tỉnh cũng đã tổ chức thành công các hoạt động đầu tư xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia, đưa Hà Nam giữ vững vị trí nằm trong top dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hay ban lãnh đạo tỉnh cũng chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư lớn khác nhằm phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, kết hợp mua sắm, đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn Du khách trong và ngoài nước. Hiện đã có một số tập đoàn lớn tập trung vào Hà Nam như: Tập đoàn Vingroup, tập đoàn Sungroup, tập đoàn Flamingo, … 

Ngoài ra, Hà Nam cũng chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp về nguồn nhân lực, tăng cường chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. Trong đó, nổi bật là khu Đại học Nam Cao với quy mô 912 ha được quy hoạch nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiện đang thu hút các đơn vị trường đại học về đầu tư, xây dựng. Hiện tại đã có trường đại học Xây dựng và Đại học FPT đã đi vào hoạt động. Điều này là một trong những yếu tố hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề về làm việc, sinh sống tại tỉnh.

Trên con đường ước mơ hóa mục tiêu nằm trong Top đầu các tỉnh dẫn đầu công nghiệp khu vực phía Bắc, với những chính sách, chủ trương cụ thể cùng việc làm thiết thực, đến nay, Hà Nam đã gặt hái được những thành công nhất định và hứa hẹn còn tiến xa hơn nữa trong thời gian sắp tới. 
Hãy cùng chờ đón một Hà Nam trong diện mạo hoàn toàn mới!