Khám phá đình và chùa Châu
Đình và chùa Châu là một địa điểm du lịch tâm linh khá nổi tiếng nằm ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đây là nơi thờ Thành hoàng làng và Điện súy tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng dưới thời nhà Trần.
Đình và chùa Châu nằm trong khuôn viên rộng rãi, mặt nhìn ra dòng sông Đáy, có kiến trúc bề thế, dáng mái cong với nhiều mảng chạm khắc độc đáo. Đình thôn Châu có thiết kế lớn, dài 18m, rộng 10,7m và sử dụng một khối lượng gỗ lim rất lớn. Công trình chính được thiết kế theo kiến trúc theo kiểu chữ tam, tiền đường 5 gian, tòa đệ nhị 5 gian và cung chính tẩm 3 gian. Tổng số có 13 gian, lợp ngói nam có bờ bảng kìm nóc, đồng trụ hài hòa, trang trí công phu, tinh xảo.
Đình thôn Châu cũng có nhiều đồ thờ có giá trị nghệ thuật cao, biểu hiện của nghệ thuật sơn then độc đáo truyền thống của dân tộc. Tiêu biểu là hai cỗ ngai bầy từ thời Hậu Lê tại chính tẩm, chiếc hương án mang phong cách nghệ thuật đời Nguyễn, bộ bát biểu, kiệu bát cống cùng nhiều đồ thờ có giá trị khác.
Chùa thôn Châu có tên là Châu Sơn Tự (ngôi chùa trên núi Châu) hoặc Long Sơn Tự (chùa núi rồng). Chùa nằm sâu vào vách đá, ngay bên cạnh cửa hang của động Phúc Long trên núi Chùa. Chùa được xây dựng từ lâu đời, nằm sâu trong vách đá, mái bằng đá nên người ta cho rằng chùa nằm trong miệng con rồng. Theo văn bia Chính Hòa thứ 11 (1690) đục ngay vào vách đá thì đây là bia công đức ghi việc Pháp Bản thiền sư cùng dân thôn bốn giáp tu sửa tượng pháp và hoạch định lại ruộng đất tam bảo. Điều này chứng tỏ chùa được xây dựng từ khá sớm nhưng chủ yếu dựa vào hình dáng thiên tạo. Hiện nay chùa có 3 tòa, làm theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh, tổng số có 10 gian xây cuốn. Ngoài cùng là gác chuông 3 gian, làm kiểu chồng diêm mái cong, ngói ống, cột đồng trụ và bờ bảng theo phong cách cổ truyền.
Chùa quay hướng nam, phía tây giáp 3 gian đền thờ Phạm Ngũ Lão, phía đông có 5 gian nhà tổ, tiếp đến là nhà phủ, nhà khách, nhà bếp. Đằng trước có 2 tòa phủ đứng biệt lập thờ Thuỷ Tinh phu nhân và Bạch Hoa công chúa, gồm 5 gian. Như vậy, cả khu vực chùa gồm 30 gian lớn nhỏ. Phía trước chùa có hồ và sân rộng, tiếp đó là đường chính đạo ra cổng. Trong sân chùa có nhiều cây trái lưu niên, kết hợp với cỏ cây, núi hang tạo thành cảnh quan u tịnh. Chùa Châu có nhiều tượng không thật lớn nhưng đẹp như tượng Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Di Lặc, tượng Tuyết Sơn, tượng Kim Cương. Ngoài ra, ở đây còn có một số đồ thờ bằng đá như bát hương mâm bồng, bình hương được làm công phu, dáng dấp và hoa văn thể hiện trình độ tay nghề cao và óc sáng tạo đa dạng.
Đồng thời, đến núi Chùa thôn Châu, Du khách có thể ghé thăm động Phúc Long nằm ngay trong khu vực chùa.
Núi Chùa do các khối đá vỉa xếp chồng chất, lởm chởm như đầu con rồng. Có mỏm đứng chơ vơ trên đỉnh như sừng rồng, nhiều mỏm đá dựng ngược như tóc rồng, phía nam núi có một mái đá nhô ra, dưới mái đá có những vỉa bò lan, nổi cộm lại thành miệng con rồng mà ngôi chùa như hạt ngọc nằm gọn trong miệng con rồng, nhiều vỉa đá xếp thành các bậc thang rất thuận tiện cho việc lên núi ngắm cảnh. Trên đỉnh núi có nhiều cây cổ thụ kiểu dáng khác nhau, từ đây có thể bao quát cảnh sơn thủy hữu tình của sông Đáy, núi Bút Sơn, thành nhà Hồ, núi rừng Thanh Thủy và dòng sông Đáy.
Từ đất bằng leo lên chừng 2m tới cửa động, từ cửa động đi vào chừng 5m tới một ngã ba, rẽ bên phải đi xuống dần hàng chục mét là động có nhiều thạch nhũ đẹp, rẽ bên trái là đường lởm chởm nhũ đá nhô lên, rủ xuống tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Đó chính là động Phúc Long. Động có dáng một con rồng thắt túi, có nhiều dơi bám trên vách nên nhân dân địa phương còn gọi đây là hang dơi và có sức chứa lên đến vài trăm người.
Động hài hòa với cảnh quan núi Chùa, ngay bên cạnh là đình và chùa thôn Châu, tạo thành một di tích thắng cảnh hấp dẫn đối với du khách gần xa. Chính vì vậy, nếu có dịp đến Hà Nam, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá địa điểm du lịch thú vị này.
Ngoài ra, nếu bạn phân vân chưa biết chọn địa điểm lưu trú nào, hãy liên hệ Tiến Lộc Palace Hotel qua hotline 02263 82 5555 để được tư vấn và hỗ trợ tận tình nhất nhé!