TOP 5 Lễ hội đặc sắc tại Hà Nam mà bạn nên tham gia
Hà Nam không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là nơi lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống phản ánh bản sắc văn hóa độc đáo. Hãy cùng Tiến Lộc Palace Hotel khám phá TOP 5 lễ hội đặc sắc tại Hà Nam mà bạn không nên bỏ qua trong chuyến hành trình này.
1. Hội vật Liễu Đôi
Giữa cảnh sắc thanh bình của làng quê Hà Nam, hội vật Liễu Đôi như một khúc ca tự hào về truyền thống võ nghệ nơi đây. Diễn ra từ mùng 5 đến mùng 10 Tết tại làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, lễ hội không chỉ là sân chơi đấu vật quy tụ những võ sĩ hàng đầu, mà còn gìn giữ một di sản văn hóa đặc sắc của vùng đất Hà Nam.
Ở Liễu Đôi không chỉ có có con trai tham gia vào lễ hội chính. Phụ nữ cũng được tham gia thi đấu các môn quyền, đao, côn, kiếm được thể hiện đẳng cấp tài võ của mình không thua kém bất kỳ vị nam nhi nào. Ngoài vật võ ra, hội còn thu hút đông đảo khán giả với các hoạt động ẩm thực, thi tài làm các món ăn đặc sản của làng.
Một nét đặc biệt khác của hội vật Liễu Đôi là truyền thống lễ Trầm Tự - tục chém chữ được tổ chức đêm 30 Tết tại chùa Ba Chạ. Theo truyền thuyết, vào thời nhà Trần, có một vị tướng đã trao quyển binh thư "Võ trận" cho năm làng thuộc Liễu Đôi, đòi hỏi người dân phải tụng đọc thuộc lòng. Vào đêm giao thừa, các tộc trưởng sẽ mang gươm chém lên băng giấy ghi chữ đầu của quyển sách, rồi học thuộc đoạn chữ đó trong năm. Nghi lễ dù đã không còn thực hiện nhưng đã ghi khắc tinh thần thượng võ bền bỉ của người dân nơi đây.
2. Lễ hội Tịch Điền
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn một nghi lễ truyền thống lâu đời, gắn liền với nền nông nghiệp và văn hóa dân tộc Việt Nam. Lễ hội này bắt nguồn từ thời vua Hùng dựng nước, do vua Thần Nông khởi xướng, với ý nghĩa tế lễ cầu mùa, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đây cũng là nét văn hóa đẹp, thể hiện lòng biết ơn với đất trời, gắn kết con người với nguồn cội, đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Tại vùng đất Hà Nam, lễ hội Tịch Điền có từ thế kỷ X, được khởi xướng bởi vua Lê Đại Hành - người con của vùng đất này. Theo truyền thuyết, năm 987, nhà vua cùng quần thần ra đồng Đọi Sơn cày cấy và bất ngờ bắt được chum vàng, năm sau bắt được chum bạc ở Bàn Hải. Từ đó, lễ Tịch Điền trở thành nghi thức hàng năm của các triều đại phong kiến, với các vị vua đích thân cày ruộng, cầu mong mùa màng bội thu. Đến triều Nguyễn, lễ hội được tổ chức quy mô, có nhiều quy định cụ thể, nhưng sau đó bị gián đoạn.
Sau nhiều năm thất truyền, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn đã được khôi phục trở lại từ năm 2009 tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Lễ hội kéo dài 3 ngày từ mùng 5 đến mùng 7 Tết với nhiều hoạt động như rước chân nhang vua Lê, lễ rước nước, lễ sái tịnh,... Đặc biệt, nghi lễ tịch điền được tái hiện lại với các nghi thức trang trọng: vua Lê Đại Hành cày 3 sá, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cày 5 sá, lãnh đạo huyện cày 7 sá và lãnh đạo xã cùng các cụ già làng cày 9 sá. Bên cạnh đó, còn có hội thi trang trí trâu với hình tượng tứ linh, tứ quý,...cũng như giải đấu vật truyền thống.
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn không chỉ mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc mà còn là cơ hội quảng bá tiềm năng du lịch của vùng đất Duy Tiên - Hà Nam với nhiều danh lam thắng cảnh như chùa Long Đọi Sơn. Dịp để mỗi người dân Việt Nam nhìn lại truyền thống lao động cần cù, tôn vinh nền nông nghiệp và phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước.
3. Lễ hội Làng Dâu
Làng Dâu vốn là làng Cổ Đôi, thuộc xã Cổ Thọ, huyện Bình Lục, sau khi thành lập tỉnh Hà Nam năm 1890 đổi thành làng Mỹ Đôi, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục. Ngày 14 tháng Giêng hằng năm, khi bước sang mùa xuân mới, làng Dâu tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống lớn nhất của mình - Hội phá đồn giặc Minh. Dịp để nhân dân địa phương tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của ba chị em anh hùng Ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế cùng hai vị tướng tài Bùi Công Minh, Bùi Công Bang - những người đã dũng cảm đứng lên chống giặc Minh xâm lược trong thời kỳ khó khăn của đất nước.
Trong không khí trang nghiêm hàng năm, người dân làng Dâu tái hiện lại khúc bi tráng của lịch sử bằng những hoạt động đầy màu sắc và ý nghĩa. Sáng sớm, các giáp đã rước bát hương, kiệu thánh từ các đền nhỏ về đình làng tổ chức lễ khai hội. Tiếp đó, các nghĩa quân được chia thành ba đạo tiến công ba hướng, trong khi đó quân giặc Minh đóng giữ tại các đồn lẻ. Khi đêm xuống, cả làng tắt đèn cấm lửa, các đạo quân bí mật tiếp cận và đồng loạt tấn công, cuộc chiến kéo dài xuyên suốt đêm 14 rạng sáng 15. Sau khi giành chiến thắng, nghĩa quân vui mừng kéo xác quân thù ra ngoài làng rồi quay trở lại sân đình tổ chức lễ mừng chiến thắng.
Ba năm một lần, nhân dân làng Dâu cũng tổ chức rước giao hảo với làng Tiên Lý - quê ngoại của ba chị em Ả Đào. Trong suốt ba ngày, kiệu thánh được rước đi rước lại giữa hai làng, tổ chức tế lễ, hát văn, múa lân sư rồng,... tạo nên không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Bên cạnh đó, hội làng Dâu còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian phong phú như đấu vật, chọi gà, kéo co, bịt mắt đập niêu,...
Hội phá đồn giặc Minh của làng Dâu không chỉ là dịp để tưởng niệm công lao của các bậc tiền nhân anh hùng, mà còn mang đến cơ hội để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ đồng thời giúp con em xa quê hương có dịp trở về đoàn tụ gia đình, tri ân tổ tiên.
4. Lễ hội thả diều
Hội thi thả diều tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam là lễ hội truyền thống lâu đời, diễn ra vào ngày 15 tháng 5 âm lịch hàng năm. Một sự kiện văn hóa đặc sắc thể hiện sự mong cầu một vụ mùa bội thu và bình an.
Khu vực tổ chức thi diều gồm đình nội, đình ngoại, đình trong, nằm cạnh hồ cá, đầm sen và cánh đồng rộng lớn. Vị trí này rất thuận lợi để các cánh diều bay lượn theo hướng gió đông nam, tạo nên một bức tranh sinh động và đẹp mắt như đàn chim bay về tổ.
Các giáp trong làng tham gia thi với những mẫu diều riêng, được làm từ tre, giấy, nhựa hồng và dây tơ tằm một cách công phu. Hình dạng thoi phẳng và thanh thoát của diều làng Đại Hoàng khi bay lượn trên không trung tạo nên vẻ đẹp uyển chuyển và mạnh mẽ.
Trong không khí trang nghiêm, các đấu thủ thử tài điều khiển diều theo từng vòng thi đấu gay cấn. Khi diều đạt đủ độ cao, các đấu thủ sẽ cho diều đấu dây với nhau để tìm ra diều vượt trội. Cuối cùng, diều được lệnh hạ cánh một cách đẹp mắt như một mũi tên xuyên thẳng xuống đất.
Hội thi thả diều Đại Hoàng không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống mà còn tạo nên sự gắn kết cộng đồng, đem lại niềm vui và sự phấn khích cho người dân địa phương cũng như du khách thập phương. Đây thực sự là một lễ hội đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa sắc màu của vùng đất Hà Nam.
5. Lễ hội đền Lảnh Giang
Đền Lảnh Giang tọa lạc tại thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, là một di tích văn hóa tâm linh đặc sắc của vùng đất Hà Nam. Đền thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng Vương có công đánh giặc Thục, cùng với Tiên Dung Công chúa - một vị thần linh được tôn thờ từ xa xưa.
Hàng năm, đền Lảnh Giang tổ chức hai kỳ lễ hội lớn vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Kỳ lễ tháng 6 diễn ra từ ngày 18 đến 25 với nhiều nghi lễ truyền thống như tế lễ, rước kiệu Thánh, cùng các hoạt động văn hóa dân gian phong phú như múa rồng, múa lân, hát chầu văn, võ vật, đấu cờ người…
Đặc biệt, lễ hội này còn có nghi thức lấy nước giữa dòng sông Hồng về làm nước cúng và tắm tượng các vị thần. Nghi lễ này không chỉ thể hiện nguyện vọng cầu mưa thuận gió hòa mà còn phản ánh khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân nơi đây. Bởi các vị thần được thờ tại đền Lảnh Giang vốn là những vị thủy thần, gắn liền với sông nước và cuộc sống của cư dân vùng sông Hồng xưa.
Kỳ lễ tháng 8 diễn ra vào ngày 20 với nghi lễ rước kiệu Ngọc Hoa Công chúa từ đền Yên Từ về bái vọng tại đền Lảnh Giang. Hai kỳ lễ hội này không chỉ thu hút đông đảo người dân địa phương mà còn quy tụ du khách thập phương đến chiêm bái, cầu may và khấn vái.
Với vẻ đẹp cảnh quan, giá trị tâm linh và lễ hội truyền thống độc đáo, đền Lảnh Giang thực sự là một điểm đến hấp dẫn, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa sắc màu của vùng đất Hà Nam.
Đến với Hà Nam, du khách sẽ được không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của vùng quê yên bình mà còn được tham gia các lễ hội văn hoá của người dân nơi đây. Nếu đến Hà Nam bạn cần một địa điểm để nghỉ chân lại tiện cho việc tham gia các lễ hội tại Hà Nam có đầy đủ tiện ích thì Tiến Lộc Palace Hotel là lựa chọn tuyệt vời cho bạn.
Với 5 gợi ý về lễ hội đặc sắc tại Hà Nam, Tiến Lộc Palace Hotel đã chia sẻ ở trên, hy vọng bài viết sẽ giúp bạn sẽ có thêm kinh nghiệm khám phá các lễ hội đặc sắc nơi vùng quê Hà Nam cho chuyến đi sắp tới. Chúc bạn sẽ có một chuyến đi vui vẻ và có những trải nghiệm thú vị nhất.
Mọi thắc mắc về lễ hội hoặc muốn tìm hiểu rõ hơn về Tiến Lộc Palace Hotel bạn vui lòng liên hệ:
Khách sạn Tiến Lộc Palace
Địa chỉ: TS Khu 4, phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Điện thoại: 02263 82 5555
Fax: 02263 82 5555
HOTLINE 0986 074 989 - 0334.025.666
Email: tienlocpalace@tienlocgroup.com
Website: http: //tienlocpalace.com/