Bát Cảnh Sơn - Thắng cảnh đẹp tại Hà Nam
Nhắc đến Hà Nam thì không thể không kể đến thắng cảnh Bát Cảnh Sơn. Đây là một quần thể các danh thắng tâm linh nổi tiếng tại Hà Nam. Nơi đây không chỉ nổi tiếng về văn hóa tâm linh mà nó còn được du khách biết đến bởi vẻ đẹp ngất ngây lòng người. Sau đây, hãy cùng khách sạn Tiến Lộc Palace tìm hiểu về Bát Cảnh Sơn nhé!
1. Giới thiệu về Bát Cảnh Sơn
1. Giới thiệu về Bát Cảnh Sơn
Cách thành phố Phủ Lý khoảng 13km, Bát Cảnh Sơn tọa lạc tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái với địa hình phong phú và có nhiều tiềm năng. Dãy Bát Cảnh Sơn đứng bên tả ngạn của dòng sông Đáy, dựa lưng vào vòng cung Nam, tạo thành thế núi hình sông trông rất kỳ thú.
Từ lâu, dãy núi Bát Cảnh Sơn được coi là một thắng cảnh của trấn Sơn Nam. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, vào thế kỷ thứ XVI, Nghị tổ Trịnh Doanh đã đi qua đây chiêm ngưỡng, ví Bát Cảnh Sơn với Tiêu Tương bên Trung Quốc và cho lập hành cung để đi về thưởng ngoạn. Thời xưa ở Bát Cảnh Sơn có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ địa thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành. Cho tới ngày nay, một vài cảnh quan đã bị hủy hoại do chiến tranh nhưng hàng năm, Bát Cảnh Sơn vẫn thu hút rất nhiều du khách về đây vãn cảnh.
2. Cách di chuyển đến Bát Cảnh Sơn
Xuất phát từ trung tâm thành phố Phủ Lý, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào mà bạn thích. Bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô, … Từ thành phố Phủ Lý, bạn chạy xe dọc theo quốc lộ 22 khoảng 13km là tới Bát Cảnh Sơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt taxi hay grab và nhập địa chỉ muốn đến là Bát Cảnh Sơn ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là sẽ tới.
Mức giá vé hiện nay cho bạn tham quan Bát Cảnh Sơn là 60.000VND/người/vé. Bát Cảnh Sơn hoạt động tất cả các ngày trong tuần, bạn có thể đến đây trải nghiệm và lưu ý Bát Cảnh Sơn sẽ mở cửa từ 7h đến 17h nhé!
3. Bát Cảnh Sơn - Hà Nam có gì?
Bát Cảnh Sơn bao gồm tám ngôi chùa và một ngôi miếu để thờ thổ địa thần linh. Có lẽ do nơi đây có tám ngôi chùa nên vùng núi này được gọi là Bát Cảnh Sơn? Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Bát Cảnh Sơn - Hà Nam có gì nhé!
Đền Tiên Ông
Đền Tiên Ông được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông. Đền nằm trên núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m, được xây dựng theo hình chữ tam. Núi Tượng Lĩnh là điểm đầu tiên trong danh thắng Bát Cảnh Sơn. Theo tương truyền, đây là một ngôi đền rất linh thiêng, nhiều đời vua chúa đã đến nơi đây để cầu may.
Đền Tiên Ông gồm có: tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, và hậu cung 1 gian. Trước đây đền khá nhỏ nhưng sau nhiều lần trùng tu mới có được quy mô đồ sộ như ngày nay. Tiền đường được kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái cong, 4 góc đầu đao hình rồng mềm mại, mái lợp ngói nam đều đặn. Tòa trung đường được xây theo kiểu hồi văn cánh bảng tam đấu, hậu cung cuốn vòm. Tại đây còn lưu giữ được nhiều thần phả, sắc phong và nhiều đồ thờ tự quý hiếm như hoành phi, đại tự, câu đối, bát hương bằng đá, bằng đồng. Đặc biệt ở đây còn có hai pho tượng, một bằng gỗ, một bằng đồng được thờ trong hậu cung. Trải qua bao chiến tranh bom đạn nhưng những pho tượng quý này vẫn còn nguyên.
Chùa Ông
Nằm ở phía trước đền Tiên Ông là một hồ nước có hình bán nguyệt, bao quanh phía bắc của núi Tượng Lĩnh. Hồ có diện tích lên tới 320 mẫu, có nước quanh năm và độ sâu trung bình của hồ là từ 4 đến 5m. Theo truyền thuyết kể lại, trước đây có một ngôi chùa nằm ở giữa hồ, được gọi là chùa Ông. Tuy nhiên, đến năm 1901, do bị ảnh hưởng của một đợt lũ lụt nên chùa đã bị cuốn trôi. Đến nay, hồ có rất nhiều loại cá to, diện tích mặt nước của hồ có thể khai thác được du thuyền và câu cá.
Chùa Tam Giáo
Từ đền Tiên Ông, men theo sườn núi khoảng 1km là tới chùa Tam Giáo. Chùa được xây dựng ở dưới chân núi, ở đây có một suối nước chảy từ lòng núi ra. Theo tương truyền, dòng suối này cứ mỗi ngày chảy ra hai bát gạo và hai đồng tiền đủ cho nhà sư sinh sống. Sau đó có kẻ tham biết chuyện đã đục cho miệng suối rộng ra, từ đấy gạo tiền không chảy ra nữa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa từng là căn cứ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo. Trên đường từ đền Tiên Ông đến chùa Tam Giáo có rất nhiều các hang động đẹp nhưng do sự khai thác của con người nên nhiều hang đã bị phá hủy. Những năm gần đây, chùa Tam Giáo mới được khôi phục lại. Chùa có kiến trúc hình chữ đinh, bao gồm năm gian đại tế và một hậu cung, đại tế tạo tám mái chồng diêm và được lợp ngói nam.
Chùa Kiêu, chùa Bà, chùa Dâu, chùa Cả, chùa Bông, chùa Vân Mộng
Tất cả các ngôi chùa trên đều được quy tụ tại đây tạo ra một quần thể tâm linh. Được gọi là Bát Cảnh Sơn vì nơi đây có tám ngôi chùa và một ngôi đền được bày bố theo hình bát quái. Tuy nhiên, do chiến tranh nên ngày nay nơi đây chỉ còn đền Tiên Ông, chùa Ông và chùa Tam Giáo là còn nguyên vẹn.
Bát Cảnh Sơn không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp mê lòng người mà nơi đây còn là vùng đất linh thiêng, nơi hội tụ người tài. Huyện Kim Bảng có năm nhà khoa bảng thì xã Tượng Lĩnh có tới ba người. Do vậy, hàng năm cứ vào mùa thi cử là các sĩ tử ở khắp nơi đều về đây để lễ chùa cầu may, mong được hưởng một chút phước phần khoa bảng để đạt được những kết quả mong muốn.
Trên đây là bài viết về thắng cảnh Bát Cảnh Sơn tại Hà Nam. Mong rằng bài viết này hữu ích với bạn. Nếu có dịp ghé đây tham quan du lịch, bạn có thể lựa chọn khách sạn Tiến Lộc Palace để lưu trú. Chúng tôi cam kết sẽ mang lại cho bạn những giây phút nghỉ ngơi ấm cúng, thoải mái và an toàn nhất.