Đặc sản Hà Nam - Bánh đa Phúc Hạ

Không chỉ sở hữu cảnh vật non nước hữu tình, những di tích lịch sử cố kính lâu đời, Hà Nam còn có những món ngon mà du khách ghé thăm đều nên thử. Từ xa xưa, sinh hoạt của người dân nơi đây đã gắn liền với nền văn minh lúa nước, sử dụng những hạt gạo để chế biến theo những cách khác nhau thành những món ăn mang hương vị độc đáo. Bánh đa cũng là một đặc sản của mảnh đất này, được gọi là bánh đa Phúc Hạ vì được làm ra và phát triển từ làng Phúc Hạ, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. 
 

Phúc Hạ nằm bên dòng sông Châu Giang - một nhánh nhỏ của sông Hồng. Được bồi đắp bởi phù sa bốn mùa màu mỡ, hoa màu tươi tốt quanh năm, đây là điều kiện thuận lợi để nơi đây phát triển nền ẩm thực mang đặc trưng của văn minh lúa nước như bún, miến, bánh đa. Làng Phúc Hạ là một làng nghề truyền thống với hơn 100 năm sản xuất và gìn giữ hương vị từ những hạt lúa thơm ngon. 
 

Bánh đa Phúc Hạ có mùi thơm, bùi và ngậy rất đặc trưng. Để tạo ra mùi vị mà không đâu sánh bằng, việc lựa chọn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng để tạo lên thành phẩm cuối cùng. Gạo được lựa chọn phải là loại gạo thơm ngon, chắc mẩy, không sạn. Nước để làm bánh đa là nước sạch để bánh đa không bị đục hoặc ngả vàng. Lựa chọn nguyên liệu khắt khe là yêu cầu bắt buộc để giữ được hương vị bánh đa tốt nhất. 

Không chỉ nguyên liệu mà yếu tố con người cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bánh đa. Công việc làm bánh đa không hề đơn giản, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Bởi vậy, những người của làng nghề Phúc Hạ đã rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó cho từng mẻ bánh đa luôn giữ được chất lượng đồng đều và thơm ngon nhất. 

Các yếu tố kỹ thuật như xay bột, tráng bánh, phơi sương đòi hỏi sự bền bỉ và khéo léo của người làm bánh, bởi ở bất kỳ công đoạn nào gặp vấn đề đều rất ảnh hưởng đến hương vị khi tạo ra thành quả. 
 

Làm bánh đa trải qua nhiều công đoạn, đầu tiên là ngâm gạo. Sau khi ngâm vài giờ, gạo sẽ được vớt ra cho vào cối đá để xay. Đây là giai đoạn tốn rất nhiều công sức và người xay bột phải là người có kinh nghiệm để bột đạt được độ quánh vừa phải bởi nếu bột đặc thì khó tráng còn nếu bột loãng quá thì bánh lại mỏng. 
 

Sau khi xay bột là đến với công đoạn tráng bánh. Tráng bánh đa cũng tương tự như tráng bánh cuốn, tuy nhiên, bánh đa quạt yêu cầu tráng bột dày hơn và nấu chín kỹ hơn. Sau khi bánh đã chín, người làm bánh sẽ rắc vừng lên và khéo léo lấy bánh ra đặt lên những chiếc phên để tránh rách hoặc méo.
 

Sau khi tráng, bánh sẽ được đem đi phơi. Ở giai đoạn này, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu thời tiết nắng, khô ráo thì việc phơi bánh rất thuận lợi, ngược lại, nếu thời tiết mưa và ẩm thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến việc bánh dễ bị mốc, hỏng. Bởi vậy, người dân Phúc Hạ từ lâu luôn phải chọn những ngày nắng để tráng bánh. Tuy nhiên, không may, khi gặp thời tiết đột nhiên chuyển mưa, khiến bánh ẩm. Để khắc phục, họ phải đưa bánh qua lửa hoặc sấy để tránh bánh bị mốc. Khi mặt bánh đã khô, họ sẽ gỡ bánh ra, lật bánh để phơi tiếp, nhằm đảm bảo bánh khô đều.
 

Cuối cùng, công đoạn cuối cùng là nướng bánh để tạo nên món bánh đa Phúc Hạ truyền thống và độc đáo. Nướng bánh cần quạt đều tay. Quá trình nướng bánh cũng phải đảm bảo bánh giòn, bùi mà không bị cháy. Điều này đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm của người làm bánh để điều chỉnh lửa và thời gian nướng sao cho phù hợp.

Ngày nay trên thị trường đã có các loại bánh tráng được làm bằng dây chuyền máy móc để tiết kiệm sức người và đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, để so sánh về hương vị thì bánh tráng làm thủ công hoàn toàn bằng sức người vẫn có hương vị thơm ngon nhất, đó cũng chính là lý do mà bánh tráng Phúc Hạ vẫn luôn được ưa chuộng trên thị trường.

Khi ghé thăm mảnh đất Hà Nam, rất nhiều du khách lựa chọn bánh đa Phúc Hạ làm quà dành tặng cho người thân và gia đình. Nếu có cơ hội đến nơi đây, hãy thử thức quà này để trải nghiệm được trọn vẹn và đáng nhớ nhất.