Những làng nghề truyền thống tại Hà Nam

Hà Nam không chỉ được biết đến bởi các khu du lịch hay các món ăn đặc sản, mà nơi đây còn được biết đến nhờ những làng nghề truyền thống. Đây cũng là một trong những lý do mà du khách muốn tới Hà Nam để được trải nghiệm và tận mắt chứng kiến những công đoạn làm ra các thành phẩm. Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về một số làng nghề truyền thống tại Hà Nam nhé!

1. Nghề làm trống Đọi Sơn
 

Làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có truyền thống làm trống rất lâu đời, theo tương truyền khoảng hơn 1000 năm trước với vị tổ nghề là cụ Nguyễn Đức Năng và cụ Nguyễn Đức Bản. Truyền thuyết kể rằng, năm 986 nghe tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông nên hai cụ Năng và Bản đã cùng nhau tự tay làm một chiếc trống lớn để tiếp đón vua. Tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai cụ được người dân trong làng tôn là Trạng Sấm.

Nghề làm trống ở Đọi Sơn nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. Nghề làm trống nơi đây là cha truyền con nối, người dân ở đây họ chỉ truyền cho con trai mà không truyền cho con gái hoặc con rể vì sợ thất truyền. Để làm được một chiếc trống hoàn chỉnh phải trải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da trống được làm bằng da trâu cái, lọc hết màng rồi ngâm khử mùi. Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít, gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng “dăm”, tùy theo kích cỡ của trống mới xác định ra được bao nhiêu “dăm”. Cuối cùng là bưng trống. Da trâu được rải căng tròn trên mặt trống rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt. Đinh chốt được làm bằng vầu hoặc tre già. Thợ làm trống ở Đọi Tam làm đủ các loại trống: trống trong đình chùa, trống chèo, trống trường, trống trung thu, … Mặc dù nghề làm trống không được làm nhiều nữa vì mấy năm gần đây họ mua rất ít nhưng nghề này vẫn được nhiều gia đình chọn làm nghề chính để phục vụ cho cuộc sống của họ.

2. Làng lụa Nha Xá
 

Làng lụa Nha Xá thuộc xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là một trong những làng lụa nổi tiếng nhất hiện nay chỉ đứng sau làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông. Tuy rằng trước đây các hộ dệt lụa thường gặp khó khăn khi phải tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng hầu hết người dân làng Nha Xá vẫn giữ được nghề dệt truyền thống của cha ông để lại. 

Theo Chủ tịch Hội nghề lụa truyền thống Nha Xá thì hiện nay làng có 230 hộ với gần 800 nhân khẩu, trong đó có khoảng 350 lao động chính, vận hành gần 200 máy dệt. Có nhiều gia đình có tới 4 - 5 máy dệt chạy suốt cả ngày, những gia đình này thường khép kín các công đoạn từ sản xuất đến thành phẩm. Những xưởng lớn có tới hàng chục máy dệt. Tại đây họ sẽ sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao để cung cấp cho thị trường cao cấp trong và ngoài nước như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, …

3. Làng gốm Quyết Thành
 

Làng gốm Quyết Thành thuộc thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và làng gốm có từ những thế kỉ XVI. Đi qua bao khó khăn cùng đất nước, làng gốm Quyết Thành có lúc tưởng chừng bị mai một khi trong làng chỉ có thưa thớt một vài nhà làm nghề. Nhưng rồi đến năm 2004, như một luồng sinh khí mới, làng nghề đã được UBND tỉnh Hà Nam công nhận là làng nghề truyền thống.
Nhờ sự nhiệt huyết của những người dân yêu nghề gốm, hiện nay, mỗi năm làng nghề cho ra được sáu triệu sản phẩm và chủ yếu là bình rượu, ấm trà, chum, … Những sản phẩm này đều được phân phối rộng khắp đất nước: Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, … và được xuất khẩu ra nước ngoài: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, …

4. Làng nghề bánh đa nem Chều
 

Bánh đa nem làng Chều là sản phẩm của người dân làng Chều thuộc xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bánh đa nem làng Chều nổi tiếng về lịch sử lâu đời với hơn 700 năm tuổi. Bánh đa nem làng Chều được nhiều người ưa chuộng như vậy là do nguyên liệu 100% từ tự nhiên, không có hóa chất gây độc hại. Nguyên liệu chính tạo nên những tấm bánh này là gạo tẻ, người dân thường sử dụng gạo Khang Dân để bánh được ngon và trắng hơn. Để bánh thêm dẻo và dai, người dân làng Chều pha thêm muối và tùy vào thời tiết mà pha muối theo tỉ lệ khác nhau, thời tiết khô hanh thì sẽ cần lượng muối nhiều hơn.

Hiện nay bánh đa nem làng Chều có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước. Hơn thế nữa, bánh còn có mặt ở khắp các thị trường nước ngoài như: Mỹ, Nga, Nhật Bản, … sản phẩm đang được người Việt ở nước ngoài rất ưa chuộng.

5. Làng nghề mây tre đan xã Ngọc Động
 

Từ rất lâu đời, làng nghề mây tre đan thuộc xã Ngọc Động, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã có truyền thống sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủ công được làm từ mây, tre, …. Những cây mây, cây tre được trau chuốt và chẻ nhỏ thành từng dải mềm, sau đó được phải ráo ẩm. Người dân Ngọc Động còn tạo màu cho mây tre đan thêm sinh động hơn. Người dân sẽ nhuộm màu tự nhiên nhưng vẫn giữ được độ bền để khi sử dụng sản phẩm sẽ không bị phai. 

Sự tỉ mỉ, chỉnh chu, đẹp mắt luôn được người dân đảm bảo khi tạo ra sản phẩm. Từ đó giúp sản phẩm mây tre đan tại xã Ngọc Động có được uy tín cao cả thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế. Từ khi mới ra đời,  sản phẩm chủ yếu của làng Ngọc Động là ghế mây. Nhờ tính đẹp mắt, phù hợp với khí hậu và môi trường nên tiếng tăm của làng vang xa, người đặt người mua tấp nập. Qua thời gian các sản phẩm của làng nghề Ngọc Động ngày càng đa dạng hơn như: bình hoa, rổ giá, túi xách, bàn ghế, mũ, … Sự yêu nghề và tiềm năng phát triển ngành nghề này đã giúp làng nghề mây tre đan Ngọc Động ngày càng vững mạnh và duy trì được truyền thống quý báu mà ông cha đã để lại. 

Nếu có cơ hội tới đây, du khách có thể trải nghiệm cùng người dân làm một số sản phẩm của các làng nghề. Khách sạn Tiến Lộc Palace chúc bạn có một trải nghiệm vui vẻ và đáng nhớ.