Đền Tiên Ông - Di tích lịch sử tâm linh của Hà Nam

Hà Nam, một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, là mảnh đất sở hữu nét đẹp hoang sơ hùng vĩ của thiên nhiên và rất nhiều di tích lịch sử, giàu truyền thống văn hóa. Nằm trong danh sách những địa điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Hà Nam, đền Tiên Ông là điểm đến thu hút khách du lịch không chỉ bởi vẻ đẹp kiến trúc cổ kính mà còn vì giá trị tâm linh sâu sắc.

Vị trí địa lý 
 

Đền Tiên Ông tọa lạc ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Đền được xây dựng từ đời vua Trần Nhân Tông trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m. Ngôi đền nằm trong quần thể di tích Bát Cảnh Sơn - một quần thể được xây dựng theo truyền thuyết bát quái ngũ hành. 

Kiến trúc của đền Tiên Ông
 
 
Đền Tiên Ông đã trải qua nhiều lần trùng tu để có được quy mô đồ sộ như ngày nay. Tiền đường của đền được xây dựng theo kiểu chồng diêm tám mái cong, với bốn góc đầu đao hình rồng mềm mại và mái lợp ngói nam đều đặn. Trung đường của đền được xây theo kiểu hồi văn cánh bảng tam đấu và hậu cung được thiết kế cuốn vòm. Kiến trúc này không chỉ tạo nên sự hùng vĩ và tôn nghiêm, mà còn thể hiện nét độc đáo và tinh tế của công trình.

Một điểm đáng chú ý của đền là hai pho tượng được thờ trong hậu cung, một bằng gỗ và một bằng đồng. Sự hiện diện của hai pho tượng này là điểm thu hút sự chú ý của du khách và tín đồ tới thăm viếng đền Tiên Ông.

Với kiến trúc độc đáo và những di vật quý giá được lưu trữ, đền Tiên Ông không chỉ là một địa điểm tâm linh quan trọng mà còn là một công trình văn hóa lịch sử đáng khám phá của Hà Nam. Sự kết hợp giữa nghệ thuật và tâm linh tại đây tạo nên không gian linh thiêng và trọng đại, mang lại trải nghiệm đầy ý nghĩa cho mỗi người tới thăm.

Sự tích về đền Tiên Ông

Đền Tiên Ông thờ Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát. Sự tích Tiên Ông được tương truyền kể rằng cha của Tiên Ông là người ở Từ Sơn (Bắc Ninh), làm quan lớn dưới triều đại nhà Trần, có tới 23 thê thiếp mà vẫn chưa có con trai. Đến khi đi kinh lý ở trấn Sơn Nam, Thịnh Đại (nay là xã Đại Cương) huyện Kim Bảng, phụ thân ngài lấy người thiếp thứ 24 mới sinh được Ngài.

Khi sinh ra Ngài đã có tướng mạo khác người. Suốt cuộc đời mình, Ngài một lòng hương khói thờ Phật và chu du khắp nơi để tìm thầy học đạo. Khi ngang qua khu Quang Thừa (nay là xã Tượng Lĩnh) thấy dãy Bát Cảnh Sơn hùng vĩ, Ngài đã lập một ngôi chùa dưới chân núi động Tam Giáo để thờ Phật, tổ tiên và cha mẹ, đặt tên gọi là chùa Tam Giáo. 
 

Sinh thời, ngài có rất nhiều công lao đối với nhân dân địa phương, giúp người chữa bệnh cứu người. Sau khi đắc đạo, Ngài hóa thân thành cây “Đại nại” và dặn người dân rằng hãy lấy gỗ của cây để tạc tượng thờ và lấy đồng tạc tượng thờ thần. Người dân đã làm theo lời Người dặn và quả nhiên, các pho tượng rất linh ứng. 

Theo suốt chiều dài lịch sử, trải bao lần đền bị chiến tranh, kẻ thù tàn phá, pho tượng đã nhiều phen bị mang đi nhưng không ai đụng tới được. Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã từng mang tượng đồng ở đền thờ ngài đi đúc tiền đồng nhưng búa rìu không chạm được vào tượng, tượng chỉ đổ mồ hôi, còn khi quân lính chạm vào tượng thì lại bị rìu chặt vào chính chân mình. Chứng kiến cảnh đó, Nguyễn Hữu Chỉnh vô cùng sợ hãi mà khấn rằng, nếu Ngài linh thiêng thì hãy cho sông Châu bên mưa, bên tạnh. Quả nhiên là ứng nghiệm. Ngay sau đó, Nguyễn Hữu Chỉnh phải sai quân lính mang tượng trả lại về đền. 

Nhiều vị vua, chúa như Lê Thái Tổ, Lê Dụ Tông, Trịnh Doanh, Trịnh Tùng, Trịnh Sâm, Mạc Phúc Hải đã từng tới thăm đền. Tương truyền, được nhân dân kể lại rằng Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Oánh cũng chính là con cầu tự của ngài.

Với nét cổ kính và linh thiêng, đền Tiên Ông đã trở thành địa điểm tâm linh nổi tiếng của Hà Nam. Khi ghé thăm mảnh đất này, hãy đến với đền Tiên Ông để cảm nhận giá trị tâm linh sau hàng trăm năm vẫn còn được gìn giữ cho vẹn nguyên từng hơi thở lịch sử từ thời xa xưa, từ những ngày sơ khai nhất.