Tổng hợp những lễ hội đầu xuân nổi tiếng tại Hà Nam
Cứ mỗi độ xuân về, dọc chiều dài của Tổ Quốc đâu đâu cũng rộn ràng không khí lễ hội. Đó không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu mà còn là nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa độc đáo của từng vùng miền.
Hà Nam cũng không phải ngoại lệ. Đến Hà Nam vào dịp đầu xuân, Du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được hòa chung vào bầu không khí lễ hội vô cùng vui nhộn, đặc sắc tại đây. Trong đó, phải kể đến 3 lễ hội lớn đầu năm, thu hút đông du khách gồm Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên); Lễ hội chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) và Lễ Phát lương Đức Thánh Trần, đền Trần Thương (Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân).
Hà Nam cũng không phải ngoại lệ. Đến Hà Nam vào dịp đầu xuân, Du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được hòa chung vào bầu không khí lễ hội vô cùng vui nhộn, đặc sắc tại đây. Trong đó, phải kể đến 3 lễ hội lớn đầu năm, thu hút đông du khách gồm Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên); Lễ hội chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) và Lễ Phát lương Đức Thánh Trần, đền Trần Thương (Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân).
Là một trong số những lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc sắc của nền văn văn minh nông nghiệp Bắc Bộ, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm: Lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội.
Bên cạnh các nghi lễ tâm linh như Lễ cáo yết, Lễ rước nước lên Đàn tế, Lễ Sái tịnh, Lễ cầu an, Lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành Hoàng và kiệu tổ nghề trống..., nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ Tịch điền - tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) xuống đồng cày ruộng ở chân núi Đọi hơn một ngàn năm trước.
Không gian Lễ hội Tịch điền còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian. Bên cạnh phần lễ, phần hội sẽ được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động như: các giải thể thao; trưng bày triển lãm các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của thị xã, của tỉnh; Triển lãm của hội sinh vật cảnh thị xã; Hội thi vẽ, trang trí trâu; tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, bịt mắt bắt dê, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, vật cầu; thi làm bánh dầy của các dòng họ làng Đọi Tam; thi kéo co giữa các làng trong xã; chương trình văn nghệ và đốt pháo bông, …
Tiếp theo đó không thể không kể đến Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương. Lễ hội nhằm tái hiện lại lịch sử “Phát quân lương” khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ 3 (năm 1288). Qua đó, thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, động viên nhân dân bước vào năm mới hăng say lao động, học tập, công tác.
Lễ phát lương được tổ chức vào giờ Tý đêm ngày 14, rạng ngày 15 tháng Giêng tại đền chính. Nghi trình lễ phát lương được thực hiện bài bản theo các phần: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ; Lễ châm đuốc và dâng hương của các vị đại biểu cùng nhân dân; Lễ rước lương thảo vào làm mật lễ tại hậu cung và nghi lễ “phát lương” cho nhân dân và du khách thập phương về dự hội. Bên trong mỗi túi lương, ngoài ấn, thẻ còn có các loại ngũ cốc là sản vật của vùng quê Nhân Đạo, đó là nếp cái hoa vàng, đậu tương, ngô đỏ, … với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, đón linh khí trời đất, cầu cho một năm sung túc, nhà nhà no đủ, hạnh phúc.
Lễ hội chùa Tam Chúc được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội vẫn gồm các nghi thức trang trọng như dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, lễ rước nước,... Bên cạnh đó, phần hội cũng có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú như biểu diễn ca múa nhạc, chương trình bắn pháo hoa chào Xuân, … Lễ hội thu hút rất nhiều tăng ni phật tử gần xa về tham gia trẩy hội.
Ngoài 3 lễ hội truyền thống nổi tiếng trên, tại Hà Nam còn có rất nhiều lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân như: lễ hội đền Trúc – Ngũ động Thi Sơn (từ 6/1 – 10/2) , Lễ hội vật võ Liễu Đôi (từ 5 đến 10/1 ), lễ hội chạy ngựa Yên Trạch, xã Bắc Lý, Lý Nhân (từ 24 - 25/1); lễ hội cướp cầu Làng Gừa, Liêm Thuận, Thanh Liêm (ngày 4/1); ...
Các lễ hội xuân tại Hà Nam đều mang nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, không chỉ có ý nghĩa về mặt tín ngưỡng mà còn thể hiện truyền thống tôn kính tổ tiên, "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng, danh nhân có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, những bậc tiền nhân có công lớn trong việc khai hoang, mở đất, chiêu dân, truyền nghề mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Hòa chung không khí lễ hội đầu xuân rộn ràng và mong muốn du xuân một cách an toàn, suôn sẻ nhất, hãy chọn khách sạn Tiến Lộc Palace. Khách sạn 3 sao cung cấp hơn 200 phòng nghỉ hiện đại cùng dịch vụ chất lượng sẽ là nơi nghỉ ngơi lý tưởng dành cho bạn sau ngày dài khám phá.
Quý khách đặt phòng vui lòng liên hệ Hotline 02263 82 5555 nhé!