Những cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp tại Hà Nam

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô cùng những ưu thế vượt trội về giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, Ban lãnh đạo tỉnh Hà Nam còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, từng bước chinh phục mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistic của vùng đồng bằng sông Hồng. 

Cụ thể, ngày 15/09/2021, Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã ban hành nghị quyết số 11NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, với trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết và phân công cụ thể cho các ngành, địa phương. Đồng thời xác định các khâu đột phá cần tập trung thực hiện để phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới. Trước tiên là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Nâng cao khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc hợp tác với các cơ quan ngoại giao, các đơn vị tư vấn nước ngoài các nhà đầu tư lớn và các tập đoàn đa quốc gia. Tiêu biểu, tỉnh Hà Nam đã tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), một số nước châu Âu,… Qua đó giúp Hà Nam luôn giữ vững được vị trí nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối. Trong đó đặc biệt là hệ thống giao thông trọng điểm như dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 2; … Củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp như điện, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, logistics, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo định hướng, quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic sao cho phù hợp với địa phương. Cụ thể, tập trung giải phóng mặt bằng, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài ra, tỉnh còn thu hút các tập đoàn lớn về phát triển du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp mua sắm tại tỉnh nhà. Mục tiêu đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với sự kết hợp đa dạng, hài hòa các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và mua sắm. 

Hiện đã có nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam, cũng như trên thế giới đến đầu tư vào Hà Nam, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn Central Retail,…

Về nguồn nhân lực, Hà Nam vẫn tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh về cả số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, đã có trường Đại học FPT và trường Đại học Xây Dựng đã đi vào hoạt động. 

Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” thời gian qua, Hà Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, tăng cường nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Thông qua việc thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chính sách đã ban hành nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển cùng những thành tựu đáng kể mà Hà Nam đã đạt được trong những năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai rộng mở của tình nhà trong thời gian tới.